Cứ mỗi dịp thu về, khi những cơn gió dịu dàng xua đi cái nóng khắc nghiệt của mùa hạ, lòng người lại nao nao chờ đón ngày rằm tháng Tám, hay còn gọi là Tết Trung Thu. Tết Trung Thu không chỉ là dịp vui chơi của trẻ nhỏ mà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của con người, là sợi dây kết nối giữa hiện tại và những ký ức xa xưa. Ấy vậy mà cho đến nay vẫn chưa có ai xác định rõ ràng về nguồn gốc của ngày Tết Trung thu.
Liên quan đến nguồn gốc của ngày lễ này có rất nhiều sự tích. Nhiều người cho rằng Tết Trung thu bắt nguồn từ sự tích vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng.
Chuyện kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713 – 741) trong lúc đi dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch, ngắm nhìn vầng trăng tròn và sáng trong, ông thầm ước được lên thăm cung trăng một lần cho biết. Khi đang thưởng thức cảnh đẹp vào giữa lúc tiết trời mát mẻ thì nhà vua gặp đạo sỹ La Công Viễn. La Công Viễn được mọi người mệnh danh là pháp sư Diệu Pháp Thiên, là người có phép tiên. Ông đã tâu xin làm phép đưa vua lên cung trăng.
Sau lần được lên cung trăng, vua Đường đã cho tổ chức một buổi lễ hội vào ngày rằm tháng tám
Lên đến cung trăng, vua Minh Hoàng được chúa tiên tiếp rước, bày tiệc đãi đằng cùng hàng trăm tiên nữ xinh đẹp vừa múa vừa hát, khúc nhạc có tên là Nghê Thường Vũ Y. Vua Đường nhờ có khiếu thẩm âm nên vừa trầm trồ khen ngợi vừa lẩm nhẩm học thuộc lòng bài hát và điệu múa, mong đem về hoàng cung bày cho các cung nữ trình diễn.
Nhà vua say sưa thưởng thức cảnh tiên mà quên trời đã sáng. Pháp sư Diệu Pháp Thiên phải nhắc nhở, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn còn luyến tiếc.
Về hoàng cung, vì còn vấn vương nên nhà vua đã cho soạn ra khúc Nghê Thường Vũ Y và ra lệnh cứ đến rằm tháng tám lại tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng. Tục ngắm trăng, xem ca múa sau biến thành thú vui chơi đêm rằm Trung thu.
Lại có một điển tích khác cho biết nguồn gốc của Trung thu liên quan đến hai vợ chồng Hậu Nghệ và Hằng Nga.
Hậu Nghệ là một người bất tử trong khi Hằng Nga là một tiên nữ xinh đẹp sống ở Thiên Đình và phục vụ cho Tây Vương Mẫu. Hai người đã kết duyên vợ chồng. Sắc đẹp của Hằng Nga và sự bất tử của Hậu Nghệ khiến những người khác ganh tỵ, họ đã vu oan cho Hằng Nga và Hậu Nghệ trước mặt Vua Nghiêu.
Từ đó, Hằng Nga và Hậu Nghệ bị đuổi khỏi hoàng cung trở thành thường dân. Cuộc sống làm lụng, săn bắn giúp chàng Hậu Nghệ trở thành một xạ thủ cừ khôi nổi tiếng khắp dân gian.
Bấy giờ có 10 mặt trời cùng lúc tồn tại, mỗi mặt trời thay phiên nhau chiếu sáng trong một ngày. Tuy nhiên, tai họa ập đến khi một ngày kia, cả 10 mặt trời cùng xuất hiện trong một ngày và thiêu cháy những sinh linh trên mặt đất. Trước hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc ấy, Vua Nghiêu đã sai Hậu Nghệ bắn rơi 9 mặt trời, chỉ để lại 1 cái. Chàng Hậu Nghệ tài ba đã hoàn thành trách nhiệm một cách xuất sắc.
Đáp lại, Vua Nghiêu đã cho chàng một viên thuốc trường sinh bất lão và dặn: “Tạm thời người chưa được uống viên thuốc này. Hãy bắt đầu cầu nguyện và ăn chay trong một năm, sau đó mới được uống.” Hậu Nghệ làm theo lời Vua Nghiêu, cất giấu viên thuốc thật kỹ và khổ tu tâm tính. Được nửa năm, Vua Nghiêu cho mời chàng Hậu Nghệ đến kinh thành chơi. Hằng Nga trong lúc ở nhà bỗng phát hiện ra một vật sáng lấp lánh trên mái nhà. Biết được đó là linh dược, nàng đã uống viên thuốc. Vừa lúc đó Hậu Nghệ về đến cửa nhà, chàng liền hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Nhưng tất cả đã quá muộn, Hằng Nga bắt đầu bay về trời.
Với chiếc nỏ trong tay, Hậu Nghệ đuổi theo Hằng Nga. Đi được nửa đường thì thần Gió đã cản chàng lại trong khi nàng tiên nữ xinh đẹp tiếp tục bay về phía mặt trăng. Khi vừa đặt chân tới nơi, Hằng Nga bỗng không thở được và viên thuốc văng ra. Kể từ đó Hằng Nga mãi ở trên cung trăng, không thể nào trở lại trần gian được nữa.
Trong khi đó, ở dương thế, Hậu Nghệ ngày đêm mong nhớ người vợ xinh đẹp của mình. Chàng xây một lâu đài trong mặt trời và đặt tên là “Dương”. Ở trên cung trăng, Hằng Nga cũng xây một lâu đài như vậy, đặt tên là “Âm”.
Cứ mỗi năm một lần, vào ngày rằm tháng 8, hai người mới được đoàn tụ trong niềm hân hoan hạnh phúc. Chính vì vậy, mặt trăng luôn thật tròn và sáng vào ngày này để nói về niềm vui sum họp, đoàn viên của con người.
Ở Việt Nam, truyền thuyết của Hằng Nga lại gắn liền với chú Cuội.
Chuyện kể rằng, xưa kia có nàng tiên nữ vô cùng xinh đẹp và yêu quý trẻ em tên là Hằng Nga. Nàng mong muốn được xuống trần gian chơi cùng trẻ em nhưng tiên giới không cho phép.
Một hôm, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm”. Ai làm được bánh ngon, đẹp và lạ mắt sẽ được trọng thưởng. Hằng Nga được phép xuống trần gian hỏi thăm cách làm bánh và gặp Cuội – cậu bé chuyên gia nói dóc. Cuội bày cho Hằng Nga cách bỏ tất cả nguyên liệu hòa lại rồi đem nướng lên.
Kỳ lạ thay, những chiếc bánh ra lò có mùi thơm phức, các em nhỏ đều tấm tắc khen ngon. Làm xong những chiếc bánh thơm ngon, Hằng Nga vui vẻ trở về cung đình để dự thi. Nhưng Cuội vì lưu luyến không muốn rời xa Hằng Nga nên đã nắm lấy tay nàng, muốn giữ nàng ở lại. Một sức mạnh kỳ lạ nào đó đã kéo cả Cuội và cây đa đầu làng lên tận cung trăng. Lên đến Cung trăng, Cuội có thể nhìn thấy bọn trẻ đang chơi đùa. Cuội nhớ trần gian, nhớ nhà, nhớ lũ trẻ nên đôi khi lại ngồi khóc buồn bã.
Những chiếc bánh của Hằng Nga đã giành giải nhất và lấy tên là “Bánh Trung thu”. Nàng xin mỗi năm, cứ đến rằm tháng tám, nàng được cùng chú Cuội xuống trần gian chơi cùng các em nhỏ. Từ đó, Ngọc Hoàng đặt tên cho rằm tháng tám là “Tết Trung thu” – tết của trẻ em.
Ngày nay, trung thu đã trở thành lễ tết của tất cả mọi người. Đối với trẻ em, tết trung thu là dịp được rước đèn ông sao, đèn kéo quân, được phá cỗ, được múa hát, vui chơi. Với những người xa quê, trung thu là dịp để đoàn viên, sum họp, để trở về và cảm nhận mái ấm gia đình.
Với nhiều người khác, trung thu và vầng trăng sáng trong trên bầu trời như sợi dây kết nối họ với những ký ức xa xôi nào đó, giúp họ gửi gắm những tâm tình và biết bao trăn trở, thổn thức trong cõi trần gian của mình.
Chẳng phải nhà thơ Tản Đà đã từng viết:
“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung Quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió cùng mây thế mới vui,
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.”
(sưu tầm)