NHANG SẠCH AN VIÊN THAM GIA HỘI CHỢ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM 2017 TẠI CAMPUCHIA
Hội chợ Thương mại Việt Nam 2017 tại Campuchia với chủ đề “Hữu nghị, hợp tác và phát triển” sẽ chính thức diễn ra từ ngày 18/11 đến ngày 22/11/2017 tại thủ đô Phnôm Pênh – Vương quốc Campuchia. Đây là năm thứ 8 Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia tổ chức Hội chợ Thương mại tại đất nước Chùa Tháp tươi đẹp này.
Hội chợ là hoạt động nằm trong Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2017 và cũng là một hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24/6/1967- 24/6/2017), nhằm tăng cường và củng cố quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam – Campuchia. Đặc biệt, Hội chợ là là dịp để các doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, đối tác, tiềm năng mới, qua đó thúc đẩy việc mở rộng quan hệ giao thương, quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư; là cầu nối hiệu quả để các doanh nghiệp cùng gặp gỡ, trao đổi, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu…
Sau 7 lần tổ chức thành công Hội chợ thương mại tại Campuchia, hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hội chợ đã mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu. Kết quả tổng kết qua các kỳ hội chợ cho thấy, mỗi năm các cuộc hội chợ đều thu hút hơn 150 doanh nghiệp tham gia, với khoảng trên 250 gian hàng, trong đó có gần 40 doanh nghiệp quân đội (tiêu biểu như: Tổng công ty 28, Tổng công ty 36, Tổng công ty Thái Sơn, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, Tổng công ty Hợp tác kinh tế quân khu 4, Ngân hàng TMCP Quân đội, Công ty Hacota, Công ty CP 32, Công ty 751, Công ty 755, Công ty ADCC, Công ty 16, Công ty CP Nicotex, Công ty Cà phê 15, Công ty hóa chất 21, Công ty cơ khí 17, Công ty Đông Hải, Công ty Minh Thành, Công ty Dệt may 7, Công ty Tây Nam/QK7, Công ty 622/QK9…), các Trung tâm XTTM của các tỉnh: Đồng Nai, Kiên Giang, Long An, Lâm Đồng, Bình Phước, Cà Mau, Tây Ninh… đại diện cho các tỉnh, thành phố tham dự, cùng hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp, tổ chức tham gia hội chợ đều đánh giá hội chợ là kênh xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực ASEAN nói riêng và quốc tế nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các kỳ hội chợ được tổ chức thành công tốt đẹp, với qui mô, chất lượng gian hàng đẹp, công tác tổ chức chu đáo đã đem lại niềm tin cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều mong muốn hội chợ được tổ chức thường niên, với qui mô lớn hơn, đáp ứng nhu cầu tham gia của doanh nghiệp và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế thương mại hai nước. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra hội chợ, các doanh nghiệp đã có các hoạt động thương mại và những thỏa thuận ghi nhớ với tổng giá trị hàng triệu đôla.
Rút kinh nghiệm từ các kỳ hội chợ trước, Hội chợ Thương mại Việt Nam 2017 tại Campuchia sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới đây, đúng dịp Quốc khánh của Vương quốc Campuchia và hòa cùng không khí tưng bừng của lễ hội truyền thống rước nước, đua thuyền… Hội chợ Thương mại năm nay dự kiến có hơn 150 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, với khoảng gần 300 gian hàng, trên mặt bằng diện tích 10.000m2, được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Đảo Kim cương; đây là địa điểm được đánh giá đảm bảo được các yếu tố cơ bản của một trung tâm triển lãm mang tầm cỡ quốc gia. Các gian hàng tại hội chợ sẽ trưng bày, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, uy tín trong nước và xuất khẩu, như: dịch vụ viễn thông, ngân hàng, các sản phẩm dệt may, da giày, nông lâm hải sản, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến, điện – điện tử, cơ khí, hoá chất, xây dựng, vật liệu xây dựng, nông nghiệp, phân bón, trồng cây công nghiệp, thức ăn gia súc, giống cây trồng, vật nuôi, thuốc trừ sâu, thú y…
Cùng với đó, Khu Triển lãm đang được chuẩn bị chu đáo với các hiện vật, hình ảnh về quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và một số hình ảnh về hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, các Chương trình mục tiêu quốc gia của các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian gần đây, như: hình ảnh của các cán bộ Lâm trường 103 (Đoàn KTQP 327) hướng dẫn nhân dân trong vùng dự án kỹ thuật thu hái chè cao sản; hình ảnh Công ty Bình Dương – Binh đoàn 15 cấp cây cà phê giống cho đồng bào; cán bộ chiến sỹ Đoàn KTQP 338 khảo sát địa hình làm mương thủy lợi; thu hoạch mủ cao su ở Binh đoàn 16; dự án trồng cây dong giềng ở Đoàn KTQP 337; cán bộ, chiến sỹ Lâm trường 156 (Đoàn KTQP 327) hướng dẫn nhân dân trồng thông mã vĩ; mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại Khu KTQP Bình Liêu – Quảng Hà; cán bộ chiến sỹ và Đội Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KTQP 5 – Quân khu 5 giúp dân làm nhà dự án di giãn dân ra biên giới.… Cùng với đó là một số hình ảnh nổi bật về hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp Quân đội: Máy bay EC-225 của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bay phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí; Tàu cảnh sát biển đa năng do Công ty 189 đóng; Khai thác dịch vụ cảng container tại cảng Tân Cảng – Cát Lái; Giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phẩn quân đội chi nhánh PhnômPênh-Campuchia; Công ty xây dựng công trình hàng không ACC thi công đường băng sân bay Nội Bài; Tổng công ty Thành An tham gia thi công thuỷ điện Bản Vẽ; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn thi công cầu Pá Uôn (Sơn La)…
Với nhiều hiện vật, mô hình, hình ảnh trưng bày tiêu biểu, ấn tượng, cùng các gian hàng chất lượng; các hoạt động văn hoá nghệ thuật do Đoàn văn công Quân khu VII, phối hợp với Đoàn nghệ thuật Quân đội Hoàng gia Campuchia tổ chức biểu diễn phục vụ đồng bào suốt thời gian diễn ra Hội chợ, hy vọng Hội chợ sẽ thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm, khảo sát, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, đầu tư…
Nhìn chung, trong lĩnh vực đầu tư và thương mại giữa hai nước thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có gần 200 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng số vốn đăng ký khoảng 3 tỷ USD, tiếp tục nằm trong 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư vào đất nước Chùa Tháp thời gian qua như: Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại CP Quân đội (MB), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourists), Công ty sữa Vinamilk … Bên cạnh đó là hàng loạt dự án tiêu biểu mà doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tại Campuchia như dự án trồng cao su; dự án Nhà máy sản xuất Phân bón Năm Sao Campuchia; Bệnh viện Chợ Rẫy Phnôm Pênh; Nhà máy phức hợp sản xuất đường, ethanol và nhiệt điện; các dự án trong lĩnh vực tài chính; hàng không và viễn thông…
Với mục tiêu hướng tới đạt 5 tỷ USD thương mại 2 chiều trong thời gian tới, Việt Nam và Campuchia đã có nhiều hoạt động nâng cấp và xây dựng nhiều cửa khẩu, đường giao thông các tỉnh biên giới. Hơn nữa, hai nước cũng đã ban hành thêm chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển chợ thương mại biên giới, nâng cấp và ưu tiên mở thêm một số cửa khẩu để thúc đẩy cơ hội giao thương… Chẳng hạn như nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Nam (Tây Ninh, Việt Nam) và cửa khẩu Mơn Chây (tỉnh Prey Veng, Campuchia) lên thành cửa khẩu quốc tế khi có đủ điều kiện. Không dừng lại ở đó, Việt Nam và Campuchia đã thống nhất thúc đẩy việc đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu hải quan, kiểm dịch và hợp tác ngăn chặn gian lận thương mại, trốn thuế và buôn bán hàng giả qua biên giới. Cùng với đó là thống nhất gia tăng hạn ngạch xe thương mại qua lại hàng năm, sớm thực hiện kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Việt Nam) và Ba Vet (Campuchia); xây dựng đường giao thông đến các cửa khẩu biên giới để phục vụ lĩnh vực vận tải, thương mại, du lịch và đi lại của người dân hai nước. Đặc biệt, Dự án cầu Long Bình – Chrey Thom được hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng hồi tháng 4 vừa qua đã tạo điều kiện giao lưu, thông thương cho khu vực cửa khẩu Khánh Bình. Đây là dự án đã được nhân dân hai nước mong chờ từ lâu, vì sau khi được đưa vào sử dụng, cầu Long Bình – Chrey Thom sẽ chấm dứt “sứ mệnh lịch sử” của những chuyến phà hiện tại và trở thành tuyến đường bộ ngắn nhất nối thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia tới biên giới Việt Nam, có chiều dài khoảng 70km. Cầu Long Bình – Chrây Thom không chỉ đơn thuần là công trình giao thông mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng và là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Thời gian tới, Việt Nam và Campuchia dự kiến sẽ sớm ký Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Thương mại biên giới thay thế Hiệp định Mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia, Hiệp định Hợp tác lao động, Bản Ghi nhớ về chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn 2030… Với các chính sách đó, cùng những thuận lợi là hai quốc gia láng giềng gắn bó, có chung đường biên giới và nhiều sự tương đồng về văn hóa, xã hội, quan hệ thương mại giữa hai nước được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới và Hội chợ chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước cùng mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của hai nước Việt Nam-Campuchia.